SƠ LƯỢC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH THANH LƯƠNG – THÔN THANH LƯƠNG – XÃ BÍCH HÒA – TP. HÀ NỘI

18/03/2024 02:57

 

Đình Thanh Lương thuộc Thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Tây, nay là Thành phố Hà Nội

Trước đây xã Bích Hòa có ngôi Đình chung của xã gọi là Đình tứ Thôn thuộc xã Thạch Tuyền – Tổng Bảo Đà – Phủ Ứng Thiên – Tỉnh Hà Đông, nay là xã Bích Hòa – Thanh Oai – Hà Nội. Đình được nằm trên gò rất cao thuộc cánh đồng Mả vạc, hiện nay là nghĩa trang liệt sỹ và trụ sở UBND xã Bích Hòa. Năm 1947 thực dân Pháp cho phá bỏ Đình chung của xã, Các cụ và nhân dân thôn Thanh Lương đã quyết liệt đấu tranh đồng thời rước Long ngai bài vị và các đồ tự khí của nhà Ngài về thờ tạm tại chùa của thôn từ năm đó.

Năm 2005, được phép của các cấp chính quyền, nhân dân trong thôn đã quyên góp xây dựng mới ngôi Đình làng với diện tích là 362,9 m2 trên tổng diện tích khuôn viên là 3119m2. Sau hơn một năm xây dựng, Đình được khánh thành vào năm 2006.

          Đình Thanh Lương thờ vị công thần Triều đại Trưng Nữ Vương (Hai Bà Trưng): Đức Bà Ả Lã Nàng Đê đã có công cùng Trưng Vương đánh giặc Đông Hán.

Hiện nay, Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, trong đó có 25 đạo sắc phong các đời vua: Từ Đức Long Nguyên niên 1629 đến thời vua Khải Định năm 1924; 02 bộ Long Ngai bài vị (thời Lê và thời Nguyễn); 01 bộ bát Bửu thời Lê; 05 bộ Kiệu trong đó có một bộ Kiệu Bát Cống và 04 Kiệu Bành cùng nhiều đồ tự khí phục vụ việc thờ phụng nhà ngài.

Năm 1989, Đình Thanh Lương được UBND Tỉnh Hà Sơn Bình ra quyết định số 88/QĐ –UBND, công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 22 tháng 6 năm 2008: UBND Tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định xếp hạng Đình Thanh Lương là Di tích Cấp tỉnh, thành phố.

Ngày 26 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội ban hành Quyết định số: 4585/QĐ-UBND công nhận 25 đạo sắc phong được là tài liệu lưu trữ quý hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hàng năm, cán bộ và nhân dân thôn Thanh Lương tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 10 đến ngày 15/2 âm lịch (ngày chính hội là ngày 12/02 âm) đây cũng là dịp để nhân dân tưởng nhớ công lao các vị thần đã có công phù trợ cho dân làng.