TĂNG CƯỜNG CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, DU LỊCH TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA HUYỆN

07/06/2021 15:15

    Thanh Oai là huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống anh hùng cách mạng, với nhiều các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Với những tiềm năng, thế mạnh của huyện giáp với nội thành, là huyện có số lượng di tích lớn của Thành phố: 266 di tích lịch sử văn hóa (69 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp Thành phố, 08 di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, trên 100  di tích chưa xếp hạng), 51 làng nghề truyền thống tiêu biểu, 46 nhà khoa bảng được ghi danh ở Văn miếu Quốc tử giám; các khu sinh thái như: Khu đầm Thượng Thanh (Thanh Cao – Cao Viên), vùng cây ăn trái của 07 xã ven đáy…; nhiều ẩm thực đặc sắc Thanh Oai. Trong những năm qua, đặc biệt những năm gần đây cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Thành phố, các sở ban, ngành Thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện đã hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện và đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước đưa du lịch Thanh Oai trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện nhà.

Đồng chí Nguyễn Khánh Bình – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Lễ Khai mạc hội chợ du lịch làng nghề truyền thống và sinh vật cảnh huyện Thanh Oai năm 2020

 

    Về lĩnh vực Văn hóa: Thanh Oai đứng tốp đầu thành phố về số lượng, chất lượng các danh hiệu văn hóa, tính đến năm 2020 toàn huyện có: 90% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 86,4% làng, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa; 74,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 10 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; đặc biệt Thanh Oai đã có 03 làng, tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu (đây là mô hình mới của Thành phố). Quy ước, hương ước làng được bổ sung, sửa đổi kịp thời và thực hiện có hiệu quả; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng tiến bộ; công tác tổ chức lễ hội chặt chẽ, đúng quy định; việc thực hiện 02 Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố đạt hiệu quả. Đến nay toàn huyện có 117/118 thôn, tổ dân phố (đạt 99%) có nhà văn hóa, trong đó có 60% đạt chuẩn. Trong 5 năm qua đã có hàng chục di tích lịch sử văn hóa được đầu tư tu bổ kịp thời chống xuống cấp với kinh phí Nhà nước hỗ trợ và xã hội hóa ước tính gần 400 tỷ đồng; Các thiết chế như sân vận động, sân thể thao, điểm vui chơi giải trí, hệ thống thông tin truyền thông được đầu tư phát triển và hoạt động có hiệu quả.

     Về phát triển du lịch: cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm phát triển du lịch, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các điểm đỗ xe, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống tổ chức tại huyện và tham gia các hội chợ Thành phố; quy hoạch phát triển du lịch của huyện; xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch; biên soạn xuất bản sách Du lịch, sách Địa chí Thanh Oai để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Thanh Oai với bạn bè trong và ngoài nước…

Những kết quả về phát triển văn hóa, du lịch của huyện trong những năm qua là cơ bản, bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục như:

    Về lĩnh vực văn hóa: còn khoảng gần 40% nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn; một số giá trị truyền thống văn hóa có chiều hướng ngày càng mai một; ứng xử văn hóa của một bộ phận người dân còn chưa văn minh; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo cho các di tích lịch sử văn hóa còn hạn chế.

    Về du lịch:  Đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, chưa hình thành các điểm đến chuẩn để thu hút du khách; nhân lực làm công tác du lịch chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; chưa kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện…

Hội chợ du lịch làng nghề truyền thống và sinh vật cảnh huyện Thanh Oai năm 2020

     Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025; Trong Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ huyện đã xác định rõ một số chỉ tiêu nhiệm vụ về phát triển văn hóa, du lịch đến năm 2025 cụ thể như: Tỷ lệ Gia đình văn hóa 90%;  Làng văn hóa, tổ dân phố, cơ quan văn hoá đạt 85 % (trong đó, có từ 06 làng, tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trở lên); 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn; 95% thôn, tổ dân phố có sân thể thao; đón 100.000 lượt khách du lịch. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII; tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa, du lịch tương xứng với tiềm năng kinh tế - xã hội của huyện, chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

     Một là, làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phát triển văn hóa, phát triển du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

    Hai là, cùng với sự quan tâm, đầu tư của thành phố, huyện cần cân đối, dành một phần ngân sách phù hợp, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện như: nhà văn hóa, sân thể thao, các điểm vui chơi giải trí, tu bổ di tích lịch sử văn hóa,cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển văn hóa, du lịch.

    Ba là, tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện có hiệu quả 02 Bộ Quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành.

   Bốn là, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn nhằm kết nối phát triển du lịch làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

   Năm là, quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống; xây dựng trung tâm thương mại huyện giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống cho khách tham quan; quan tâm đầu tư nguồn nhân lực chuyên nghiệp làm công tác du lịch, hướng dẫn viên du lịch…

    Sáu là, tăng cường kết nối các tuyến, điểm du lịch khu vực và thành phố. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá phát triển văn hóa, phát triển du lịch trên địa bàn.

    Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn

     Năm mới, thắng lợi mới! Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Thành phố, của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là phát triển văn hóa, du lịch, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của huyện, xây dựng huyện Thanh Oai ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Đồng chí Nguyễn Khánh Bình

 HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện